04

Sáng hôm sau, tôi còn đang mơ ngủ trong chăn, mơ thấy mình đang chơi trò “cáo bắt gà” với mấy con gà con nhà nuôi.

Bà ngoại bỗng xông vào, lật tung chăn tôi ra.

“Hiểu Hiểu, mau dậy đi, dì Lý bảo có một cậu thanh niên đang đứng ngoài cổng làng tìm cháu kìa!”

Tôi ôm chăn rên rỉ:
“Bà ơi, bà đừng lo, chắc anh ta tìm cô Lộ Hiểu khác thôi.”

Bà vừa đi ra vừa lẩm bẩm:
“Làng mình bao giờ có thêm một đứa tên Lộ Hiểu thế không biết.”

Ôi bà ơi, trong thế giới của bà chỉ có mình cháu là Hiểu Hiểu, nhưng trong thế giới của người khác thì tên cháu đâu có độc quyền…

Rửa mặt xong, tôi chẳng buồn để tâm tới Hứa Tri An, dự định đi ra vườn rau nhà bà ngoại xem mấy luống cây.

Tôi nghĩ: giữa việc cả đời chỉ sống dưới cái bóng của người khác và cuộc sống yên bình ở quê với người mình yêu thương, tôi hoàn toàn biết mình nên chọn gì.

Khi một đôi giày da quen thuộc đập vào mắt tôi, tôi đang quỳ dưới đất, cúi đầu nghiên cứu tại sao cây cần tây non lại giống hệt củ cải con.

Một giọng nói vang lên trên đầu tôi:
“Lộ Hiểu, đây chính là cuộc sống em muốn à?”

Trời ạ, lần gặp lại này tôi từng tưởng tượng mình sẽ rất ngầu, dáng vẻ dửng dưng, không bận tâm.

Không ngờ lại là hình ảnh tôi cúi gằm, mông chổng lên, trông ngố tàu vì mấy cây rau.

Tôi đứng dậy, phủi đất trên tay, bình thản nói:

“Đúng vậy, đây chính là cuộc sống tôi muốn.”

“Mỗi ngày tôi bận rộn giúp bà ngoại để bà vui vẻ mà nhảy múa, bận đánh cờ với ông Trương để ông không phải ngồi một mình ngắm trời, bận chăm mấy con gà để chúng đẻ nhiều trứng hơn.”

05

Sau khi tôi thể hiện thái độ dứt khoát đến không thể dứt khoát hơn, Hứa Tri An cũng chẳng nói gì, quay đầu bỏ đi một mạch.

Trong đầu tôi vang lên ngay đoạn nhạc nền bi thương thường thấy trong mấy bộ phim Hàn Quốc.

Nữ chính vì yêu nên phải ép nam chính rời xa, nước mắt lưng tròng, lòng quặn thắt.

Nhưng sự thật là, tôi không phải nữ chính. Tôi chỉ là một người thay thế bé nhỏ mà thôi.

Trong thế giới này, “nữ chính” đáng lẽ phải là người như Lục Dao—xứng đôi vừa lứa với Hứa Tri An, là thiên kim tiểu thư danh chính ngôn thuận.

Còn tôi, nên học cách chấp nhận thân phận nữ phụ trong vở kịch tình cảm này.

Tôi lau nước mắt nơi khóe mắt, rồi đúng hẹn ra đầu làng đánh cờ với ông Trương.

Tôi chẳng có thời gian để buồn đâu, không theo dõi sát, rất dễ bị ông ấy dùng “pháo” đi thẳng ăn quân, hay để “tượng” chạy theo kiểu mã.

Hôm nay tôi phát hiện tay nghề chơi cờ của ông Trương bỗng dưng tăng vọt, ngẩng đầu lên thì thấy ông cứ giữ khư khư một bên tai.

Đừng đùa, tôi đã ở bên Hứa Tri An bốn năm, anh ta vừa mở miệng tôi đã đoán được anh định làm gì rồi.

Cái trò trẻ con kiểu này, tôi không đoán ra là ai mới lạ!

Xem ra… ông Trương cũng bị “thu phục” rồi.

Tôi buông quân cờ xuống:
“Không chơi nữa đâu ông ơi, lần sau ấy, ông cứ để cái người trong tai nghe của ông ra chơi trực tiếp với cháu luôn cho nhanh!”

Để lại ông cụ ngơ ngác, tôi đứng dậy bỏ đi.

Đúng lúc đó, tôi nghe thấy tiếng bước chân đuổi theo phía sau, ngay lập tức tôi “lên máu chiến”.

Tôi nhận lấy con dê dì Lý dắt tới, rồi chạy một mạch, còn ngoái lại hét to:
“Dì Lý, tiện cháu dắt dê nhà dì đi dạo luôn nha!”

Dì Lý cười với theo:
“Vậy thì chạy chậm thôi, đừng ngã đấy Hiểu Hiểu!”

Thế là, trên con đường làng nhỏ, có thể thấy một cô gái mặc váy tung tăng chạy phía trước, dắt theo một con dê, phía sau là một chàng trai mặc vest giày da, đang cắm đầu đuổi theo.

Cảnh tượng ấy, chắc đến mấy con chó đi ngang cũng phải ngước mắt lên sủa một tiếng:
“Mẹ ơi, con thấy tranh danh họa thế giới rồi!”

06

Đúng vậy, dù có “động cơ tăng tốc” là chú dê nhỏ, tôi vẫn không thể chạy thoát khỏi Hứa Tri An.

“Lộ Hiểu, em điên à? Ai cho em bỏ đi hả?”

“Mẹ anh đó.”

“Em dám chửi mẹ tôi à?”

“Không phải! Ý em là… chính mẹ anh bảo em đi mà.”

Vừa nói xong thì bác Trần từ ruộng về, lái chiếc xe ba bánh đặc trưng của mình, rì rì rì rì rì mà xuất hiện như một cơn gió.

Hứa Tri An – chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào như vậy – sợ tới mức lùi về sau mấy bước.

Bác Trần đỗ xe ngay bên cạnh chúng tôi.
“Tiểu Hiểu à, để bác dắt dê về giúp cháu nhé?”

Tôi gật đầu:
“Vâng, bác mang qua nhà dì Lý giúp cháu, tiện ghé nhà cháu nói với bà ngoại là cháu không về ăn trưa nhé.”

Bác Trần đi rồi, tôi đưa thiếu gia họ Hứa đến quán ăn duy nhất ở đầu làng, mời anh ta một bát mì xiên nấu lẩu – tám tệ một bát.

Tôi hào phóng chỉ tay gọi thêm một ly “trà sữa hương tinh chất” chuẩn vị làng quê.