4

Bực mình, tôi mở game lên định vào Vực Vinh Quang càn quét một trận cho hả giận.

Kết quả…

“Bạn đã bị giết.”

“Trụ của bạn đã bị phá hủy.”

“Tắt máy.”

“Thất bại.”

“Thua liên tiếp năm trận.”

Tôi tức đến suýt nữa bẻ đôi cái điện thoại.

Người ta đêm khuya thì lái xe, người ta đêm khuya thì ngắm biển, còn tôi — hai mấy tuổi đầu, vẫn đang bị đám học sinh tiểu học trong game đuổi theo chửi “đồ gà mờ”.

Tôi tệ thế này rồi, sao vẫn không phải là gu của anh ta chứ?

Tôi lại nhớ tới chuyện năm đó, lúc tôi lén chơi game trong giờ bị Giang Triệt bắt quả tang.

Thầy không những tịch thu điện thoại, mà còn không trả ngay.

Thầy mang lên bục giảng, kết nối với máy chiếu, phát sóng trực tiếp cảnh tôi chơi game cho cả lớp xem.

Tôi chỉ có thể trơ mắt nhìn Tiểu Lỗ Ban của mình bị năm người bên kia hội đồng đánh hội đồng, bị đồng đội spam ping, rồi cuối cùng bị tố cáo đến mức bị trừ điểm, cấm thi đấu.

Mười phút ấy là mười phút dài nhất đời tôi, đúng nghĩa “xử công khai trước toàn dân”.

Chơi bao nhiêu năm, rank vẫn lẹt đẹt ở Kim Cương vĩnh viễn, càng nghĩ càng thấy tức.

Giang Triệt vẫn chưa trả lời tin nhắn.

Tôi mở khung trò chuyện, gõ tiếp:

“Thầy Giang, trường thầy bây giờ lưu hành kiểu ‘hồi đáp bằng ý niệm’ à?”

“Không trả lời nữa là em cho rằng thầy bị người ngoài hành tinh bắt cóc rồi đấy.”

Vẫn không thấy hồi âm…

“Giang Triệt! Điện thoại của thầy lại bị hiệu trưởng tịch thu rồi hả?!”

Hồi xưa thầy vì tịch thu điện thoại của học sinh mà có thể nói là không từ thủ đoạn nào.

Thầy từng giả vờ trong tiết sinh hoạt nói bâng quơ: “Gần đây phát hiện nhiều bạn phát âm tiếng Anh chưa chuẩn, nào, cả lớp đọc theo thầy: ‘Hey Siri’.”

Sau đó, trong lớp vang lên một loạt giọng nữ máy móc:

“Tôi đang nghe đây.”

“Tôi có thể giúp gì cho bạn?”

Thầy đúng là… mưu mẹo chất cao như núi.

Ngay lúc tôi định bỏ cuộc, điện thoại “ting” một tiếng.

Giang Triệt cuối cùng cũng nhắn lại:

“Xin lỗi, lúc nãy đang soạn bài nên không nhìn điện thoại.”

Ngay sau đó, tôi lại nhận được một tin nhắn nữa — là từ bạn thân kiêm bạn học cấp ba của tôi, Lâm Vi Vi.

“Niệm Niệm! Mai là đám cưới tao đó nha, mày đừng quên đến nha!”

Tôi đập trán cái “bốp”, suýt nữa thì quên mất vụ này.

Ngày mai là ngày đại hỉ của Lâm Vi Vi và học bá của lớp – Lý Hưởng.

Cô nàng lại nhắn thêm một tin nữa:

“À quên, có bất ngờ nè! Người làm chứng hôn tụi tao là ‘quan tòa mặt sắt’ của lớp mình – thầy Giang đó!”

Tôi: “…”

Hai đứa này đúng là cáo già, giấu tôi yêu đương trong im lặng, còn cưới luôn, đã thế còn mời đúng người từng phản đối chuyện yêu sớm kịch liệt nhất làm chứng hôn.

Cái này gọi là gì?

Đỉnh cao phản nghịch?

Đúng lúc đó, mẹ tôi “bang bang bang” gõ cửa phòng tôi, giọng hào hứng không giấu nổi.

“Niệm Niệm ơi! Dì Vương mới gọi cho mẹ xong, bên nhà trai khen con quá trời luôn đó!”

Ấn tượng tốt lắm á?

Vậy ai là người nói tôi “không biết giữ kẽ”?

Ai là người sợ tôi bị chậm trễ thanh xuân?

Tôi nghi ngờ sâu sắc là mẹ tôi đã hiểu sai nghiêm trọng về cách dùng từ của giáo viên ngữ văn.

“Mẹ nghe dì Vương nói, ba mẹ cậu ấy đều làm nghiên cứu học thuật, mất từ lâu rồi. Từ nhỏ đã sống với dì ruột, mà bây giờ dì ấy lại đang yếu, chỉ mong cậu ấy sớm ổn định gia đình.

Cậu ấy trẻ tuổi mà đã là giáo viên ưu tú cấp thành phố, đúng chuẩn gia đình trí thức, mà còn hợp với nhà mình nữa chứ, đúng là trời định!”

Tôi vừa xoa thái dương vừa nhìn người mẹ ruột đang hận không thể gói tôi lại gửi thẳng đi gả, không còn thiết sống hỏi:

“Một giáo viên ưu tú, xuất thân nhà học giả, và một tiểu thư nhà giàu không có kiến thức như con – mẹ nhìn ra chỗ nào là ‘trời định một đôi’ vậy?”

Không sai, nhà tôi đúng kiểu điển hình: một đêm phất lên nhờ đền bù giải tỏa.

Trình độ học vấn thì không cao, nhưng sổ đỏ thì đếm không xuể.

“Cái gì mà không có kiến thức với chẳng học hành! Đó gọi là tiểu thư nhà giàu du học nước ngoài về!”

Ừm, khoản dựng hình tượng cho con gái, mẹ tôi trước giờ chưa bao giờ ngại cố gắng.

Bà vẫn lảm nhảm không ngừng:

“Mẹ nghe nói thầy Giang ấy người rất tốt, vừa hiếu thuận vừa chín chắn. Con cố gắng lên, tranh thủ sớm cưa đổ nhé!”

Hơ… tôi cũng muốn chứ bộ.

Mà chuyện về gia đình của Giang Triệt, thật sự đây là lần đầu tiên tôi nghe.

Cuối cùng cũng đuổi được mẹ ra khỏi phòng, tôi nằm dài trên giường, mở điện thoại ra nhắn cho Giang Triệt một tin:

“Thầy Giang, nghe nói thầy có ấn tượng rất tốt về em?”

Một lúc sau anh ta mới trả lời:

“Với mỗi học sinh tôi từng dạy, tôi đều có ấn tượng rất tốt.”

Tôi trợn trắng mắt.

Không hổ danh là anh, Giang Triệt – chơi chữ mỉa mai đúng kiểu trình cao.