6
Giờ anh đã nghĩ thông, không chống đối nữa.
Để sau này toàn bộ tài sản không rơi vào tay bồ nhí và con riêng.
Ngay khi anh động đến tiền, bố anh lập tức gửi tin nhắn thoại:
“Cuối cùng con cũng chịu tiêu tiền của ba à?”
“A Nhượng, tiêu cái gì thế? Có đủ không? Ba lại chuyển thêm nhé?”
“Kỳ nghỉ tới về thăm ba được không?”
Trong giọng ông ta nghe rõ sự vui mừng.
Khóe môi Quý Nhượng cong lên nụ cười lạnh đầy giễu cợt.
Tôi không muốn tiếp tục chủ đề có chút nặng nề này, bèn đổi sang chuyện khác:
“Thế hôm nay anh lại đánh nhau làm gì?”
Khuôn mặt anh thoáng chùng xuống, không trả lời.
Đúng lúc này, điện thoại tôi đổ chuông – là bạn anh gọi.
Tôi bắt máy:
“Alo, Hy Hy này.”
“Anh tìm không được A Nhượng, em cầm ít thuốc mỡ và băng gạc qua nhà anh ấy nhé?”
Quý Nhượng cau mày, định nói.
Tôi kiễng chân, lấy tay bịt nửa khuôn mặt anh, trợn mắt cảnh cáo anh im lặng.
Rồi hỏi qua điện thoại:
“Sao thế?”
“Trời ơi, em không biết đâu.”
“Tối nay bọn anh tổ chức sinh nhật cho bạn, bàn bên có người uống say, rồi nói mấy câu khó nghe về em với cái vụ đi cùng cái ông đi Maybach hôm qua.”
“Cái gì cũng nói, bịa đặt đủ chuyện…”
“A Nhượng cầm chai rượu xông thẳng qua, liều mạng đánh, bị người ta đập ly vào đầu mà không tránh.”
Nói thêm mấy câu nữa rồi tắt máy.
Tôi thả tay đang bịt miệng anh xuống, cúi đầu thấp hẳn.
Mũi cay cay, hít vào một hơi.
Anh tưởng tôi khóc, khẽ tặc lưỡi:
“Lương Hy, em nghe lời không hả?”
“Chắc chắn là có chuyện không hay nên anh mới không cho em biết.”
“Cứ nhất định phải hỏi.”
Anh cúi người, hạ tầm mắt ngang với tôi:
“Được rồi, đừng khóc nữa.”
“Anh đảm bảo, sau này sẽ không có ai dám nói mấy lời như thế trước mặt em.”
Anh cho rằng tôi buồn vì lời đồn.
Tôi tức đến mức kéo tay anh thẳng về phía hiệu thuốc.
“Người ta đánh anh mà anh cũng không biết né à?”
Giọng tôi nghèn nghẹn, nghe giống hờn dỗi hơn:
“Em chẳng quan tâm họ nói gì.”
“Em chỉ mong anh đừng bị thương nữa.”
Anh lười biếng để mặc tôi kéo đi.
Khi tôi nói xong, đầu ngón tay anh khẽ co lại, chạm nhẹ mu bàn tay tôi.
Như một kiểu nắm tay vụng về.
14
Chuyện của Trần Lăng như một hồi chuông cảnh tỉnh cho đám học sinh quậy phá trong và ngoài trường.
Tỉ lệ đánh nhau gây rối giảm hẳn.
Cuộc sống trong trường dần trở lại yên bình.
Chỉ có Vệ Anh là thỉnh thoảng vẫn gây chút phiền.
Ví dụ như đang lúc tôi và Quý Nhượng nói chuyện thì cô ấy cắt ngang, hoặc cố tình bám theo hai đứa đi ăn rồi giả vờ tình cờ gặp để ngồi chung.
Dù sao anh trai của Vệ Anh cũng là bạn của Quý Nhượng.
Lần đó vào giờ ra chơi dài, họ đứng ở góc sân cột cờ nói chuyện.
Tôi đi ngang qua để nộp bài cho thầy vật lý, tình cờ nghe được.
“Cậu nên quản Vệ Anh lại đi.”
“Cô ấy cứ thế này thật sự rất phiền.”
Người đối diện nói: “Con bé chỉ là thích cậu thôi mà.”
“Vậy cậu nói hộ mình, không có cửa đâu.”
“Ngoài Lương Hy ra, mình không nghĩ tới ai khác.”
Anh nói nhẹ nhàng như đã sẵn sàng đối mặt với kết quả tệ nhất:
“Nếu Lương Hy thích mình, mình sẽ hẹn hò.”
“Nếu cô ấy không thích, thì mình ở một mình.”
Người kia bật cười, vừa tức vừa buồn cười:
“Cậu mới bây lớn mà đã đòi sống một mình cả đời sao?”
“Không đảm bảo được.”
Quý Nhượng nhướng nhẹ mày:
“Nhưng từ khi biết suy nghĩ, mình đã chia con gái ra thành hai loại: Lương Hy và những người khác, suốt hơn mười năm rồi.”
“Mười hai năm xa cách, chẳng phải mình vẫn chịu được đó sao?”
Cậu bạn cười mắng: “Đúng là cái đồ si tình.”
“Được rồi, yên tâm đi.”
“Mình sẽ trông chừng Vệ Anh, không để con bé quấy rầy cậu theo đuổi Lương Hy.”
Tiếng bước chân hai người xa dần.
Tôi vẫn đứng yên một chỗ, hồi lâu vẫn chưa hoàn hồn.
Có lẽ tôi đã nhận ra anh thật sự thích tôi.
Điều khiến tôi bất ngờ là dù cách nhau mười mấy năm, anh vẫn đặt tôi ở vị trí quan trọng như vậy.
Trên đường về sau giờ học, tôi nghiêng đầu lén nhìn anh đi bên cạnh.
Trong miệng anh là viên kẹo cao su – anh nhai nó để cai thuốc lá.
Tối hôm đó, khi tôi băng vết thương trên trán cho anh, đã nhẹ giọng hỏi anh có thể bỏ thuốc không.
Biết là thói quen khó bỏ, tôi cũng chẳng hy vọng gì nhiều.
Nhưng anh không do dự, ném thẳng nửa hộp thuốc còn lại vào thùng rác.
Từ đó đến giờ, anh chưa từng đụng lại.
Áo khoác đồng phục của anh mở rộng, vạt áo lay động trong gió,
cả người mang theo nét lười nhác của tuổi trẻ, đẹp trai đến xao động lòng người.
Lúc ấy tôi mới chợt nhận ra:
Hình như tôi đã thích Quý Nhượng rồi.
15
Thời gian này, bố tôi vẫn chưa về nhà.
Lúc thì tăng ca ở công ty, lúc thì đi công tác liên tục.
Trong khi đó, trường tổ chức một hoạt động xả stress trước kỳ thi đại học.