3
Còn tôi chính là ngôi sao tai họa chói sáng nhất lớp – đối tượng bị giáo viên điểm mặt gọi tên nhiều nhất với mấy câu kiểu:
“Luôn có vài bạn thích phá vỡ kỷ luật”,
“Có một số học sinh đừng tưởng cô không thấy nhé!”
Phải nói rằng, năm đó vì tôi – một “quả trứng không hề có vết nứt” – thầy Giang đã phải hao tâm tổn trí, nói khô cả miệng, suýt chút nữa tiễn luôn sự nghiệp giáo dục của mình vào phòng hồi sức ICU.
“Tô Niệm, ước mơ của em là gì?”
“Ước mơ của em là làm hiệu trưởng trường mình, sau đó việc đầu tiên là đuổi việc thầy.”
“Tô Niệm, bài tập thuộc lòng ‘Xuất Sư Biểu’, câu ‘thân cận người hiền, tránh xa kẻ tiểu nhân’, em nối thêm câu ‘đó là lý do nhà Hán suy vong’, là em tự chế à?”
“Thưa thầy, em thấy Gia Cát Lượng nói chưa đủ ý, em giúp ông ấy nói cho trọn vẹn.”
“Tô Niệm, đang trong giờ học em vẽ cái gì đấy?”
“Em vẽ thầy đó, thầy Giang. Thầy xem, em vẽ thầy đẹp trai ngời ngời, đây gọi là ký họa tại chỗ, nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống.”
Năm đó tôi đúng kiểu “phản nghịch đầy người”, còn Giang Triệt thì chính là “bậc thầy nắn xương” – cố gắng từng chút một để uốn nắn tôi thành người đàng hoàng.
Mà thầy ấy, chỉ chăm chăm vùi dập mình tôi không thương tiếc.
Vì tôi hay thì thầm to nhỏ với bạn cùng bàn trong giờ học, thầy đã đổi chỗ tôi không dưới tám lần. Bốn phương tám hướng trong lớp – nơi nào cũng in dấu hành trình “học tập” (nói chuyện) của tôi.
Cuối cùng tôi chịu hết nổi, đứng lên phản đối:
“Thầy Giang, thầy đừng phí công nữa, em nói chuyện với cả cây cỏ em còn nói được cơ mà.”
Thế là thầy dứt khoát, vung tay cho tôi một chỗ riêng cạnh bục giảng, còn đặt tên mỹ miều là: “đào tạo trọng điểm”.
Ở ngay dưới mũi thầy, thầy còn tịch thu luôn cả “tình thơ” tôi viết cho người trong mộng.
Nghe đồn, cặp đôi nào ở trường cũng thích ra lùm cây nhỏ sau sân thể dục “tâm tình” sau giờ tự học buổi tối.
Thế là thầy ngày nào cũng như hồn ma vật vờ quanh đấy, chỉ chờ tóm sống tôi.
Tóm xong thì lại là combo “nói chuyện thân tình trong văn phòng”.
Thầy khuyên tôi rằng yêu sớm là viên kẹo bọc đường – bên ngoài ngọt ngào, bên trong tổn thương.
Tôi không nghe.
Thầy lại đổi cách diễn đạt:
“Tình yêu thời cấp ba giống như kem que mua vào mùa hè – nhìn ngon đấy, nhưng gặp nắng là tan chảy, chẳng để lại gì. Còn lên đại học mà yêu, lúc ấy tình cảm mới như củ khoai nướng giữa mùa đông – vừa ấm tay vừa ấm tim, đi cùng nhau được lâu dài.”
Tôi lúc đó gân cổ cãi lại:
“Thế còn thầy Giang, cái ‘khoai nướng’ thời đại học của thầy, giờ vẫn còn ấm không?”
Thầy bị tôi chọc cho cứng họng, thở dài một hơi.
“Tô Niệm, trắc nghiệm có bốn đáp án, chọn bừa còn có 25% cơ hội đúng. Mà mười mấy tỉ người trên đời, em tự tin đến mức nào mà nghĩ mình gặp đúng người ngay từ lần đầu?”
Tôi kiêu ngạo đáp:
“Anh ấy chính là người đó.”
Giang Triệt trưng ra vẻ mặt không thể tin nổi:
“Vậy em nói thử xem, em thích cậu ta ở điểm nào?”
Tôi trả lời:
“Rạng rỡ, đẹp trai, chơi bóng rổ cứ như tỏa sáng vậy.”
Thầy ôm đầu thở dài:
“Quả nhiên, tình yêu làm mờ mắt con người. Trương Triệt – cái cậu ngoài đánh bóng ra thì chỉ biết ngủ ấy, em nhìn kiểu gì ra được là cậu ta ‘tỏa sáng’ vậy?”
Trương Triệt là lớp trưởng thể dục của lớp tôi, cũng là đội trưởng đội bóng rổ của trường. Tứ chi phát triển, đầu óc thì… không phát triển lắm.
Tôi và cậu ấy học chung từ cấp hai. Ngày cậu ta biết tôi “thầm thích” cậu ấy, liền phấn khích chạy vòng quanh sân vận động mười vòng, sau đó mặt đỏ bừng chạy tới trước mặt tôi, lắp ba lắp bắp nói:
“Tô… Tô Niệm, th… thật ra, tớ cũng thấy cậu… rất đặc biệt.”
Thấy khuyên nhủ tôi vô ích, Giang Triệt quay sang “tẩy não” Trương Triệt:
“Cậu mà cứ lo yêu đương, không chịu luyện tập, không chịu học hành, sau này lấy gì đem lại hạnh phúc cho người ta? Bây giờ yêu, chẳng khác nào đang huấn luyện vợ cho người khác.”
Kết quả là Trương Triệt gãi đầu, cười ngốc nghếch:
“Huấn luyện vợ cho người khác… nghe thầy nói vậy, tự nhiên thấy… kích thích ghê á…”
Giang Triệt, chết.
Không muốn nhớ lại chuyện xưa nữa.
Tôi rửa mặt xong, vùi mình vào chiếc giường lớn mềm mại rồi mở WeChat của Giang Triệt.
Ảnh đại diện là phong cảnh núi sông nghìn năm không đổi, tên hiển thị là “Giang Thượng Nhất Nguyệt”.
Tôi bấm vào mục “Khoảnh khắc” của anh ta, chỉ thấy một vạch ngang — trống trơn như chính con người anh vậy.
Thời buổi này rồi, còn có người không những không để “chỉ hiển thị ba ngày”, mà còn đặt hẳn về chế độ trắng tinh như tờ giấy trắng?
Kiểu người này mới là đáng sợ nhất, điển hình của câu “tôi đi ngang qua thế giới của bạn, nhưng bạn đừng hòng bước vào thế giới của tôi.”
Tôi gõ một tin nhắn gửi qua:
“Thầy Giang, thầy đang bận à?”
Mười phút trôi qua… vẫn không thấy trả lời.